Cách tiếp cận : Hiện nay, các ga mủ nông trường tiếp nhận mủ (gồm mủ nước và mủ tạp) từ công nhân khai thác và giao mủ về các xí nghiệp để tiếp tục sơ chế. Công nhân sau khi giao mủ thực hiện tráng rửa dụng cụ tập trung tại ga. Tùy theo chế độ cạo và tần suất sử dụng ga mủ trong mùa vụ, lượng nước thải phát sinh từ hoạt động trên khoảng 1 – 1.5 m 3 /ngày, tần suất phát sinh không liên tục, có thể là hàng ngày hoặc cách 2, 3, 4 ngày. Trong nước thải còn sót lại một phần rất ít mủ, về lâu dài khiến cho nước khó tưới vườn cây gây tù đọng và mùi hôi.
Vấn đề bảo vệ môi trường, tiết kiệm tài nguyên, phát triển bền vững là chủ trương của Nhà nước và Tập đoàn CN Cao su Việt Nam nói chung, cũng như Công ty TNHH MTV cao su Bình Long nói riêng. Để đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ nguồn nước và môi trường, đảm bảo cho sự phát triển bền vững, Công ty TNHH MTV cao su Bình Long thực hiện đề tài “Hệ thống xử lý nước thải vệ sinh dụng cụ sản xuất và sàn tiếp nhận tại ga mủ nông trường”, nhằm tận thu mủ còn sót lại trong nước thải tráng rửa dụng cụ và xử lý sơ bộ nước thải trước khi tưới vườn cây. Đề tài này vừa mang lại hiệu quả kinh tế, vừa giúp kiểm soát việc khai thác tài nguyên (nước), bảo vệ môi trường, bảo vệ sự sống chính mình và cộng đồng.
Phương pháp nghiên cứu, kỹ thuật sử dụng :
Thực trạng: Lượng nước thải sau khi dùng tráng rửa dụng cụ, vệ sinh sàn ga tiếp nhận mủ tại ở mỗi ga mủ của các nông trường chỉ bằng lượng nước sinh hoạt hàng ngày của một hộ gia đình. Tuy nhiên, với lượng mủ cao su còn sót lại trong nước thải là nguồn dinh dưỡng cho các vi sinh vật sinh trưởng và phát triển, gây mùi hôi lan ra khu vực xung quanh. Đồng thời với tính chất kết bám đặc thù của mủ cao su, lượng nước thải này sau khi được thải trực tiếp vào đất từ 2 – 4 tuần, sẽ khiến cho bề mặt đất khó thấm hút nước và gây tù đọng, ô nhiễm. Dựa vào lưu lượng, tính chất nước thải, Công ty tiến hành thiết kế hố thu gom và xử lý sơ bộ nước thải này.
Phương pháp điều tra, thu thập, thống kê, phân tích, đánh giá số liệu để tính toán thiết kế mô hình hệ thống xử lý chung cho các ga mủ tại các nông trường, đồng thời đánh giá hiệu quả thu được từ việc tận thu mủ tại đây.
Phương pháp thiết kế, xây dựng và tổ chức thực hiện: Từ các số liệu thu thập được, hệ thống xử lý được lựa chọn công nghệ xử lý, thiết kế và xây dựng tại các ga được chọn. Sau đó, các nông trường triển khai vận hành hệ thống xử lý và thu thập mủ tận thu tại hố. Khối lượng mủ tận thu được thống kê hàng tháng. Quy trình công nghệ xử lý như sau:
Diễn giải quy trình :
Sau ca làm việc, công nhân của nông trường sẽ tiến hành vệ sinh các dụng cụ chứa mủ tại ga mủ. Nước thải phát sinh được thu gom về hố gạn mủ, lưu khoảng 1- 2 ngày để tách mủ khỏi nước thải, tiếp tục đi qua song chắn rác để giữ lại những loại rác có kích thước lớn, rồi đi vào bể lắng.
Tại bể lắng, nước thải được lưu khoảng 1,6 ngày để các chất rắn lơ lửng sẽ được lắng xuống và giữ lại một phần mủ cao su nổi trong nước. Sau đó, nước thải tiếp tục đi vào bể lưu.
Tại bể lưu, nước thải qua thời gian lưu giữ khoảng 8 - 10 ngày, được các vi sinh vật xử lý sơ bộ rồi cho chảy tràn vào vườn cây cao su xung quanh ga tiếp nhận mủ.
Đối với mủ nổi trong các bể, công nhân nông trường sẽ định kỳ thu gom tận thu.